Tác phẩm Nguyễn_Huy_Lượng

Sáng tác của Nguyễn Huy Lượng đa số đều được viết bằng chữ Nôm, hiện còn:

  • Tụng Tây Hồ phú (Phú ca tụng hồ Tây). Đây là bài phú chữ Nôm, gồm 86 liên, dùng chỉ một vần "hồ" (độc vận). Dụng ý của tác giả là mượn cảnh Tây Hồ để tán tụng sự nghiệp và công đức của nhà Tây Sơn. Đây là lúc triều đại này đã suy mà ông vẫn viết nên bài phú với một niềm say sưa không hề giảm.

Cuốn "Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến" có đoạn viết: Có thể nói, trước và sau Nguyễn Huy Lượng, chưa hề có một tác phẩm nào viết về non sông đất nước Thăng Long Hà Nội hay đến thế, đẹp đến thế. Chỉ với một danh tác ấy cũng đủ xếp Nguyễn Huy Lượng vào hàng những văn nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Thăng Long...Áng văn Nôm trác tuyệt tân kỳ, dân Hà thành hồi ấy gọi là "Phú ông Lựợng". Trong khi người ta đổ xô đi tìm mua giấy mực về chép lại khiến cho giá giấy phường Hàng Giấy, Hàng Gai vọt hẳn lên.[3]

Nhờ câu: Ngoài năm mươi thẹn bóng tang du có trong bài mà đoán rằng lúc này ông đã ngoài 50 tuổi. Về sau, Phạm Thái lấy nguyên vận bài này làm ra bài Chiến tụng Tây Hồ phú để chống lại lời tán tụng của Nguyễn Huy Lượng.

  • Lượng như long phú (Phú Lượng như rồng). Bùi Hạnh Cẩn biên dịch, đã in sách.
  • Ngự đạo hành cung nhật trình (Con đường từng ngày của nhà vua qua các hành cung).
  • Cung oán thi (Thơ về nỗi oán của người cung nữ). Đây là tập thơ gồm 100 bài thơ Đường luật (thất ngôn bát cú). Có tài liệu nói đây là tác phẩm của Vũ Trinh hoặc Nguyễn Hữu Chỉnh, tuy nhiên gần đây mới xác định là của ông [4]. Trong bản "Cung oán thi" còn lưu tại Thư viện Đại học Yale (Mỹ) còn ghi rõ tác giả là Bạch Liên Am Nguyễn tiên sinh soạn, và ghi rõ quê của ông "Bắc Ninh, Gia Lâm, Trung Nghĩa lý". (Thời đó, làng Sủi có tên chữ là làng Trung Nghĩa (do chúa Trịnh ban danh vì đã có công chống lại giặc cướp). TS. Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) đã nghiên cứu và phiên âm, dịch, chú giải cuốn sách này. Sách ký hiệu: AB.549 tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
  • Văn tế tướng sĩ trận vong

GS.Nguyễn Huệ Chi và GS. Nguyễn Lộc cho biết:Bấy lâu nay có nhiều sách ghi bài này là của Tổng trấn Trần Văn Thành. Nhưng theo một vài tài liệu Hán Nôm còn giữ được, trong đó có bộ Minh đô sử do Lê Trọng Hàm làm chủ biên, thì trước khi làm lễ tế các tướng sĩ nhà Nguyễn tử trận, Tổng trấn Thành đã cho mời Nguyễn Huy Lượng và Phan Huy Ích đến dinh để cùng làm văn tế. Sau đấy, bài của ông Lượng được chọn dùng...[5]

  • Hy Minh thi tập.

Sách chữ Hán tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.526. Bài tựa tập thơ cho biết, Nguyễn Huy Lượng vốn quê làng Phú Thị, Gia Lâm là một tác gia văn học nổi tiếng nước ta, nhất là về thơ phú Nôm. Lời tựa tập sách cho biết "Tổ của Nguyễn Huy Lượng từng nhậm chức Thượng thư Bộ Hộ, tước Triệu Quận công", Triệu Quận công chính là Nguyễn Huy Nhuận.[6]

  • Chinh Phụ Ngâm Diễn Ca (lục bát) (Nguyễn Huy Lượng). Học giả Hoàng Xuân Hãn viết "Chinh phụ ngâm bị khảo", có dịch và sao lục bài này ra quốc ngữ. Nhà xuất bản. Minh Tân, Paris, 1953), tr. 207-218.
  • Thơ Tây Hồ (đọc xuôi và đọc ngược), 1801.
  • Phan Trần truyện.